Thế hệ chúng ta ngày nay không còn lạ lẫm gì với việc mua hàng online: chỉ cần chiếc máy tính hoặc thiết bị cầm tay có kết nối mạng, vài cú lướt mạng xã hội hoặc các trang web bán hàng, vài nhát click chuột, vậy là xong. Tít tít, vài phút sau (hoặc vài ngày sau), món hàng bạn chọn được chuyển đến tận tay. Đó chính là thương mại điện tử (TMĐT).

Nếu bạn không đơn thuần là một người dùng thông thường mà muốn tìm hiểu về công việc, hoặc xa hơn là xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực TMĐT, bạn cần biết những gì?

Thương mại điện tử Việt Nam và những bước chuyển mình

  • Ngày nay, chúng ta coi việc tận hưởng những tiện ích do TMĐT đem lại như chuyện hiển nhiên, thế nhưng, đằng sau đó là cả một quá trình nhiều năm phát triển, với không ít các bước ngoặt.
  • TMĐT Việt Nam đã trải qua rất nhiều thay đổi: Từ thủa sơ khai bán hàng qua các diễn đàn ttvnol.com, muare.vn,… rồi đến thời kỳ của chodientu, vatgia, rongbay, enbac,… (việc mua hàng trên diễn đàn lúc này được nâng cấp thành chợ chuyên nghiệp hơn). Thời kỳ thứ 3 là Facebook, Zalo,… – giai đoạn TMĐT phát triển khủng khiếp và tạo cơ hội cực lớn cho những người mới tham gia thị trường (ai cũng có thể nhập hàng Trung Quốc 1688 rồi chạy quảng cáo Facebook bán hàng); và gần đây, các sàn TMĐT Shopee, Tiki, Lazada, Sendo,… nổi lên mạnh mẽ, cơ hội thực sự cho những nhà bán hàng chuyên nghiệp.
  • Từ năm 2007, mình bắt đầu kinh doanh online với sản phẩm trang sức cỏ 4 lá. Khi đó, Việt Nam bùng nổ internet với 5 triệu người dùng từ Dial-up lên ADSL tốc độ cao, và các diễn đàn là nơi bắt nguồn mầm mống cho những ý tưởng về TMĐT trở thành hiện thực. Mình tham gia diễn đàn ttvnol và 5 giây nhiều nhất để đăng sản phẩm lên các box rao vặt bán hàng. Muốn đạt lượt tiếp cận cao, mình phải chịu khó up bài, comment liên tục để bài viết được hiển thị đầu tiên trên box. Khách hàng vì ít sự lựa chọn nên cứ đăng lên là gần như bán được hàng. Họ có thể inbox hoặc liên hệ trực tiếp mang tới. Khi ấy, chưa có dịch vụ giao hàng thu tiền COD như bây giờ. Nếu khách ở Hà Nội, mình sẽ mang đến tận nơi giao cho khách, với khách ở Tp. HCM, mình chuyển ship trước rồi khách ra ngân hàng chuyển tiền. Những năm 2007 – 2008, tuy còn là sinh viên, mình đã có mức thu nhập trong mơ gần 100 triệu/tháng. Chủ chuỗi kinh doanh điện thoại Techone, Huylo Mobile và hàng loạt chuỗi thời trang, nước hoa, vali cũng ra đời từ các diễn đàn đó. Sau này Chợ điện tử, Mua rẻ, Rồng bay, Én bạc chính là những bản nâng cấp của box rao vặt trên diễn đàn thời xưa.
  • Năm 2015, sau khi du học Mỹ, mình về Việt Nam làm việc cho một loạt các ngân hàng, công ty tư vấn lớn. Mình có dịp quay trở lại nghiệp kinh doanh TMĐT “Con Buôn Online” với thương hiệu đồ trẻ em Babyhop, nền tảng chính là Facebook. Facebook ads thời kì này là nền tảng giúp tăng trưởng nhanh nhất mà mình từng biết. Mình quen rất nhiều bạn đẩy doanh số từ 0 lên vài tỷ/tháng chỉ sau 1 – 2 tháng phát triển. Bên mình nhập khẩu đồ trẻ em (ghế ăn/bô vệ sinh/đồ chơi/bồn tắm) từ Trung Quốc về Việt nam làm OEM với thương hiệu Babyhop. Thay vì đăng bài ở diễn đàn như xưa, mình post bài trên fanpage Facebook rồi chạy quảng cáo, dùng tiền mua traffic (lượt truy cập). Thời kỳ đầu, chi phí rất rẻ và thực sự hiệu quả. Bên mình liên tục mở rộng từ 1 sản phẩm duy nhất lên gần 100 sản phẩm khác nhau, phân phối cho hơn 100 đại lý, vào cả các trung tâm thương mại Vincom/Aeon khắp đất nước cũng nhờ bắt đầu bằng quảng cáo Facebook.
  • 2018 lại là bước chuyển tiếp theo trong công cuộc kinh doanh online của mình. Các chuỗi cửa hàng không còn hiệu quả, chi phí quảng cáo Facebook đắt đến mức khó tin. Mình thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh: Chuyển dịch tất cả lên các sàn TMĐT (Shopee, Tiki, Lazada) với mô hình một kho cực kỳ tiết kiệm chi phí. Trước đây, để tiếp cận đến nhiều khách hàng phải đẩy mạnh đa kênh online/offline/chuỗi cửa hàng; bây giờ, với sàn TMĐT, bạn có thể tiếp cận tới 44,8 triệu người sẵn sàng mua sắm trên khắp Việt Nam. Một con số như mơ so với những năm đầu 2007, chỉ có 5 triệu người tiếp cận đến internet.
  • Mình nhắc lại thoáng qua về quá khứ như vậy, để bạn thấy trong vòng 15 năm, TMĐT tại Việt Nam đã phát triển và thay đổi nhiều đến mức nào.
  • Theo số liệu thống kê từ VECOM, TMĐT hiện tại “phất lên” rất mạnh, đạt mức tăng trưởng 30%/năm. Năm 2019, quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 11,5 tỷ USD, chiếm 7,2% doanh số bán lẻ. Cùng thời gian này, doanh số TMĐT tại Trung Quốc đạt 1.935 tỷ USD, gấp 168 lần Việt Nam (trong khi dân số chỉ gấp 11 lần). Mình nhớ Jack Ma có nói một câu trong Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2018: “Thương mại điện tử là tương lai và sẽ dần thay thế kinh doanh truyền thống”. Ngay chính tại gia đình mình, năm 2013, khi có bé con đầu tiên, mình hay lên tận Hà Diện Baby Shop trên Lãn Ông, sau này thì đến Kidsplaza, Tuticare mua đồ; nhưng đến nhóc thứ 2 thì mua tất cả đồ trên Shopee, Tiki (từ bỉm, núm ti, tới đủ thứ khác).
  • TMĐT ngày càng phát triển một phần cũng nhờ logistic và thanh toán tại Việt Nam ngày càng tốt lên.
Thương mại điện tử Việt Nam và những bước chuyển mình

Về thanh toán

  • Ví điện tử Momo ra mắt vào năm 2010, đến năm 2015 có khoảng nửa triệu người dùng. Vào đầu tháng 9/2020, MoMo thông báo chính thức đạt 20 triệu người dùng (user). Như vậy, lượng user đã tăng gấp 40 lần chỉ trong 5 năm gần nhất. Ngoài ra, còn có 35 ví điện tử khác giúp cho việc thanh toán online trở nên tiện dụng với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Về vận chuyển

  • Trước đây Shopee chỉ có 3 – 4 kênh vận chuyển, bây giờ đã mở ra 8 kênh vận chuyển toàn quốc, phí vận chuyển cũng rẻ hơn.
    Tại Việt Nam, TMĐT đang ở giữa giai đoạn 1.0 và 2.0, khi người mua hàng vẫn quan trọng vấn đề giá cả và thời gian ship nhanh. Tuy nhiên, họ đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm cùng với điểm đánh giá của sản phẩm đó, chứ không đơn thuần mua sản phẩm vì nó có giá rẻ nhất như giai đoạn đầu 1.0.
  • Mình quan sát thấy Việt Nam có các bước đi rất giống với TMĐT Trung Quốc, khi các nhịp độ về Livestream/Freeship/Thu phí các kênh marketing 11/11,… đều giống hệt Trung Quốc vài năm trước. Trong những năm tới, phí ship sẽ rẻ đi, thanh toán sẽ ngày càng tiện lợi hơn và chắc chắn TMĐT (đặc biệt trên các sàn TMĐT) sẽ còn tăng khủng khiếp. Với một thị trường tăng trưởng lớn như vậy, các công ty làm TMĐT cũng ngày càng phải chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Tương lai

  • TMĐT Việt Nam sẽ có thêm rất nhiều KOC (Key Opinion Consumers). KOC không chỉ là những khách hàng tiêu dùng bình thường, họ còn viết bài, tạo video chia sẻ những đánh giá cá nhân về sản phẩm của nhãn hàng trên mạng xã hội. Người mua hàng sẽ ngày càng chịu ảnh hưởng của các KOC nhiều hơn bởi họ thực sự tin tưởng những người gần gũi với họ.

Cơ hội việc làm trong ngành thương mại điện tử

  • Trong hiện tại và tương lai ngắn vài năm tới, TMĐT chắc chắn vẫn là ngành hot, giống thời Ngân hàng/Chứng khoán những năm 2007 – 2008 (ai học Đại học ngành này ra trường được “bốc” ngay). Hiện tại, có 13 trường Đại học đào tạo ngành TMĐT, và sắp tới sẽ có rất nhiều trường mở thêm chuyên ngành này.
    Đối với các bạn sinh viên TMĐT, cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở. Mình có 1 group Facebook tuyển dụng ecom tên là: Tuyển dụng & Việc làm cho sàn TMĐT (Shopee/Tiki/Lazada/Sendo), và quan sát thấy các công ty liên tục post bài tuyển dụng; trong khi chỉ hở ra một ứng viên đăng CV lên tìm job, rất nhiều công ty comment/inbox “tranh cướp” nhân sự.
  • Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, mình đưa ra một vài hướng công việc trong lĩnh vực này như sau:

Làm thuê

Làm cho các sàn TMĐT

  • Để bắt đầu, bạn đừng vội khởi nghiệp ngay (vì dễ sạt nghiệp luôn). Bạn có thể làm thuê cho các sàn TMĐT và các shop. Các sàn như Shopee/Tiki/Lazada liên tục tuyển dụng rất nhiều. Đối với sinh viên khối ngành Kinh tế, có một số vị trí thường xuyên được tuyển là: Chăm sóc khách hàng, Hỗ trợ nhà bán hàng, Quản lý ngành hàng. Làm việc cho các sàn, bạn sẽ có cảm giác “chanh sả sang chảnh” khi đeo thẻ đi làm tại những tòa nhà văn phòng hạng A xịn sò nhất (như Shopee HCM làm việc tại tầng 17 Saigon Center, Shopee Hà Nội làm việc tại tòa nhà Lotte). Các bạn sinh viên năm cuối có thể thử sức với chương trình thực tập sinh hưởng lương của Shopee. Đó là vị trí Business Development – Seller Relation Intern, bạn làm thực tập trong 3 tháng, hưởng mức lương 5 triệu đồng/tháng, và nếu làm tốt, bạn sẽ được giữ lại làm với nhiệm vụ chính là hỗ trợ nhà bán hàng (Business development).
    Đặc biệt, cả Shopee/Lazada đều là công ty toàn cầu, nên bạn có cơ hội được học tập và làm việc tại Singapore, Thái lan, Hồng Kông, Trung Quốc.
  • Mình thỉnh thoảng có ngồi cà phê chém gió với mấy bạn làm Shopee. Các bạn tâm sự môi trường làm việc chuyên nghiệp và học hỏi được nhiều. KPI và áp lực ngập đầu và bánh kẹo, đồ ăn thì free nên… nguy cơ tăng cân rất cao.

Làm cho các Seller (Nhà bán hàng trên sàn)

  • Làm việc cho các shop có 7 bộ phận như sau:
    Sản phẩm: Phân tích thị trường, tìm kiếm sản phẩm, làm hợp đồng thủ tục nhập khẩu.
    Quản lý shop: Làm việc với quản lý ngành hàng của các sàn TMĐT, xây dựng các chương trình khuyến mãi, quản lý tồn kho, điều hành chung.
    Truy cập: Xây dựng hệ thống traffic ngoại sàn, nội sàn, phân phối traffic về các shop, quảng cáo trả phí kết hợp với affiliate (tiếp thị liên kết) và livestream.
    Thiết kế: Thiết kế hình ảnh sản phẩm, ảnh banner và video cho các chương trình của shop.
    Kho hàng: Sắp xếp hàng hóa trên giá kệ và đóng hàng, vận chuyển hàng ra các đơn vị vận chuyển.
    Chăm sóc khách hàng: Chat tư vấn với khách hàng mỗi ngày, xin đánh giá và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
    Kế toán: Đối soát dòng tiền giữa sàn TMĐT và shop, phân tích thông tin, số liệu, phục vụ lên kế hoạch bán hàng.
    Có thể bạn sẽ gặp những công ty nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 1 – 2 người nhưng làm đủ 7 bộ phận trên. Như bạn mình, chỉ có 2 vợ chồng mà làm hết tất cả mọi việc cho một shop trên Shopee (đạt doanh số 850 triệu/tháng). Khi làm đủ các bộ phận, bạn sẽ học được sự đa năng, đa nhiệm, thiếu sót ở đâu lại học thêm ở đó. Trong những ngày có chương trình sale, nhân viên truy cập hay kế toán có thể “được” huy động ra kho hàng đóng hàng là chuyện bình thường.
    Hồi xưa, mình đi làm thêm cho một nhà hàng Thái ở bên Mỹ và nhận một bài học “thấm” đến tận bây giờ. Mình được tuyển dụng làm nhân viên server (bồi bàn). Tuy nhiên, tuần đầu tiên họ phân công mình làm trong phòng rửa bát, tuần thứ 2 làm phụ bếp, tuần thứ 3 làm Host mời khách vào bàn, đến tuần thứ 4 mình mới được làm việc chính thức là nhân viên server phục vụ khách hàng. Bà quản lý nói với mình: “Trong một nhà hàng nhỏ, tất cả nhân viên đều phải biết các công việc của nhau mới có thể làm việc hiệu quả và hiểu nhau được.”
  • Mình áp dụng bài học này vào công ty của mình: Mọi người đều được học và làm việc qua tất cả các bộ phận; nhờ đó, về sau ai cũng có thể support cho nhau rất tốt. Đặc biệt, khi công ty cần phát triển một dự án/shop mới, chỉ cần cử ra 1 – 2 nhân sự key là có thể triển khai được.

Làm chủ: Tự kinh doanh

  • TMĐT là kênh bán hàng hiệu quả cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bơi bạn có thể mang sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh chóng với chi phí thấp nhất. Ví dụ, bên mình có những shop thời trang, từ quá trình hình thành ý tưởng đến tìm sản phẩm, làm thương hiệu và tung ra thị trường chỉ trong vòng 3 tháng (cũng đã đạt doanh số 500 triệu/tháng). Hay một sản phẩm khác là máy in nhiệt Shoptida cũng vậy, chỉ sau 1 năm, doanh số đã đạt 1,5 tỷ/tháng.
  • Nếu tự chủ kinh doanh, bạn cần làm hết tất cả mọi việc từ A – Z và sát cánh cùng team ít nhất 6 tháng – 1 năm đến khi gây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp. Mình mất 2 năm để có thể hoàn toàn tách ra khỏi hệ thống và hiện tại chỉ làm phần tìm kiếm sản phẩm. Mỗi một năm, mình cố gắng tìm thêm 1 – 2 sản phẩm mới. Tuy nhiên, việc không đơn giản, ngoài nghiên cứu hàng ngày các trang thương mại điện tử của Trung Quốc để có cảm nhận nhịp độ thị trường tương lai của Việt Nam, mình thường sang Trung Quốc, Hồng Kông 2 – 3 lần/năm để tham dự hội chợ thương mại và đi xem nhà máy. Tháng 7/2020, mình dự CBME Shanghai – hội chợ lớn nhất về mẹ và bé trên thế giới, tháng 4, tháng 10 có thể đi Canton Fair, Yiwu Fair – hội chợ về đồ gia dụng và rất nhiều ngành hàng khác. Mỗi kỳ hội chợ, mình đi bộ khoảng 100km, gặp hàng nghìn đối tác, lựa chọn tầm 200 nhà máy, lấy khoảng 50 sản phẩm mẫu và lọc ra 1 – 2 nhà máy để ký hợp đồng hợp tác phát triển sản phẩm đó tại Việt Nam.
  • Nhân sự cũng là một trong những vấn đề rất đau đầu, đặc biệt đối với các công ty nhỏ và siêu nhỏ; bởi giai đoạn đầu, việc tuyển nhân sự trình độ cao, có kinh nghiệm về TMĐT tương đối khó, thường chúng ta có thể tuyển những bạn có tiềm năng rồi đào tạo dần.
  • Bạn quản lý vận hành bây giờ của mình sinh năm 1995. Mình vẫn nhớ hồi mới ra trường, ngày đầu tiên bạn đó đi làm gặp đúng đợt sale, làm liên tục cả ngày không ngơi tay: gói hàng, đóng hàng, gọi cho khách từ sáng tới chiều, trưa chia ca mỗi người 15 phút ăn trưa. Sau 3 ngày, bạn xin nghỉ vì hơi ngợp với khối lượng công việc. Mình thuyết phục bạn: “Làm việc phải như vậy mới hiệu quả. Anh làm cường độ này cả năm trời rồi”. Hiện tại, bạn đó đã lên quản lý được 3 năm và lương cũng gấp 5 lần lúc mới vào.

Học Đại học không hề lãng phí

  • Có nhiều môn giảng dạy tại trường Đại học, đặc biệt là ngành TMĐT, rất có ích khi bạn đi làm như: Tiếp thị trực tuyến, Thiết kế hệ thống thương mại điện tử, Phát triển ứng dụng web, Quản trị chiến lược điện tử, Quản trị tài chính doanh nghiệp, Luật thương mại điện tử, An toàn và bảo mật thương mại điện tử, Phân tích dữ liệu kinh doanh, Quản trị quan hệ khách hàng,…
  • Nhiều bạn cho rằng kiến thức tại Đại học khó áp dụng. Tuy nhiên, mình thấy tất cả kiến thức đó đều có thể ứng dụng tại từng thời điểm nhất định. Ví dụ, chắc hẳn các bạn học ngành Kinh tế đều có môn Kinh tế Vi mô. Ở môn học này, mình vẫn nhớ bài học về nguyên lý Pareto 80/20. Lúc đó, mình cứ nghĩ những thứ trong sách toàn “trên mây, trên trời”, nhưng khi xắn tay vào làm mới thấy sử dụng được rất nhiều. Cụ thể như việc lựa chọn mã hàng đặc biệt (Key SKU) để đẩy mạnh: 20% số lượng sản phẩm hot có thể mang về 80% doanh số; cũng như cách phân bổ nguồn lực sao cho hiệu quả, mình luôn nhắc các bạn quản lý shop: 20% thời gian làm việc hàng ngày với KAM (Key Account Manager) của sàn TMĐT đem đến 80% hiệu quả cho lượng traffic về shop, đặc biệt trong các ngày sale, siêu sale.
  • Môi trường Đại học, những kỳ thi còn giúp các bạn rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề trong khoảng thời gian ngắn, nó cũng giống như việc hoàn thành công việc trước deadline khi đi làm sau này.
  • Đối với sinh viên, từ năm thứ 2, các bạn có thể đi làm part-time tại các công ty TMĐT để lấy kinh nghiệm. Công ty mình có 2 bạn sinh viên đi làm từ năm thứ 2, đến khi ra trường đã được lên quản lý shop với mức lương, thưởng rất tốt.
    Hãy học thật tốt kiến thức tại trường Đại học. Nếu bỏ 10 tiếng học để lấy điểm 9 và chỉ mất 3 tiếng để đạt điểm 7, 8, mình khuyên bạn chỉ nên bỏ 3 tiếng. 7 tiếng còn lại hãy học những thứ cập nhật mới nhất trên YouTube, đặc biệt là các khóa học miễn phí của Shopee/Tiki/Lazada dành cho nhà bán hàng (các bạn sinh viên cũng có thể tiếp cận được). Mình đưa thêm vài link thông tin về các khóa học để bạn tham khảo:
    Shopee: https://banhang.shopee.vn/edu/article/1127
    Lazada: https://university.lazada.vn
    Tiki cũng có hệ thống bài giảng rất đồ sộ: https://hocvien.tiki.vn
  • Ngoài ra, để làm quản lý shop trên sàn TMĐT, bạn cũng cần biết các kỹ năng như chỉnh sửa ảnh, video và quản lý data trên Google Sheet, Excel. Các bạn sinh viên thường không hay để ý, nhưng nhiều khi việc biết và sử dụng các hàm Vlookup, Hlookup, Sum, Index trong Excel lại là điểm cộng khiến nhà tuyển dụng rất thích. Càng về sau, khâu xử lý số liệu từ sàn TMĐT trả về như doanh số, chi phí quảng cáo, lượt hiển thị,… sẽ giúp người quản lý đưa ra những quyết định đúng đắn và hiệu quả hơn.

Chủ động, kiên trì và vươn ra thế giới

  • Mình là người rất thích đi du lịch. 3 năm qua, mình đã dành gần 5 tháng đi khắp Châu u, Mỹ, Úc, Trung Quốc và trong mỗi chuyến đi, mình đều cố gắng kết hợp du lịch với việc mở rộng mối quan hệ với các đối tác nước ngoài, chỉ với 3 bước đơn giản sau:
  • Đầu tiên, chuẩn bị portfolio và một số hình ảnh giới thiệu về công ty. Bước hai, liên hệ trước với công ty bên nước ngoài về mối quan tâm của bạn qua email/điện thoại/wechat. Bước 3, liên hệ để đến gặp tại văn phòng, nhà máy của đối tác ở nước ngoài. Việc đến tận nơi gặp mặt có thể giúp đối tác tin tưởng bạn hơn rất nhiều, bởi bạn là người đã đi cả chục ngàn km đến gặp mặt họ. Mình đã gặp được một hãng mỹ phẩm tự nhiên lớn nhất nước Úc, một nhãn hàng đồ khô tại Úc và đặc biệt kí được hợp đồng độc quyền tại Việt Nam với công ty PRT (sản xuất máy in nhiệt lớn nhất thế giới) cũng chỉ bắt đầu với 1 email.
  • Trong một dịp được chia sẻ cùng các bạn sinh viên, có một bạn hỏi mình: “Em cần làm gì để sau này ra trường mở được công ty kinh doanh TMĐT rồi đi du lịch vòng quanh thế giới giống như anh?”
  • Câu hỏi rất hay và táo bạo, thẳng vào vấn đề. Mình hỏi bạn đó sinh năm bao nhiêu? Bạn trả lời: “Em sinh năm 2001!”
  • “Anh làm cho rất nhiều công ty, đủ mọi ngành nghề. Đến năm 2015, anh mới bắt đầu mở công ty khi 30 tuổi, tức là nếu làm giống anh, em cần đợi 10 năm nữa mới bắt đầu mở công ty buôn bán trên sàn TMĐT.”
  • Mình nhớ, năm ngoái, một em sinh viên học cùng trường Đại học Thương mại với mình (kém mình hơn chục khóa) sốt sắng bán hàng trên Shopee khi chưa thực sự vững vàng. Bạn đó được bố mẹ cho 300 triệu khởi nghiệp, bỏ gần 200 triệu nhập một lô hàng điện tử gia dụng từ các tổng kho ở Hà Đông về bán. Sau 1 tháng, việc kinh doanh phát sinh rất nhiều vấn đề: sản phẩm lựa chọn có tỷ lệ lỗi, hỏng cao; khách hàng trả hàng nhiều; có nhiều đối thủ đặt giá rẻ hơn cả giá bạn nhập; nhân sự mới làm được 3 tuần thì nghỉ việc vì nhiều lý do. Cuối cùng, bạn lỡ dở ôm một đống hàng không bán được. Đây là một trường hợp điển hình trong việc có tiền và sợ tuột cơ hội nên lao vào rất nhanh và… chết cũng rất nhanh.
  • Rất nhiều bạn trẻ thích khởi nghiệp, muốn làm chủ, muốn thành công từ rất sớm. Điều đó không có gì sai, nhưng các bạn cần chuẩn bị thật kĩ về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư duy, suy nghĩ trước khi lao vào một cuộc đua khốc liệt hơn rất nhiều việc học, thi và…. yêu đương trong những năm tháng Đại học.

Hãy kiên trì tích lũy kiến thức và học hỏi kinh nghiệm thực tế. Đặc biệt, đối với TMĐT, tương lai còn rất dài và rộng mở, bạn không cần quá vội vàng lao vào bằng mọi giá.

Bài viết của mình trong cuốn sách “Người trong muôn nghề” Mọi người có thể order tại đây https://shopee.vn/spiderum

————-

Trà Bô, 2021

Khi share bài viết bạn nhớ cần post link nguồn và nhắn vào Zalo này -> https://zalo.me/g/ojjwlw410