Tiktok Shop là cơ hội kinh doanh và kiếm tiền cực kỳ lớn cho các nhà bán hàng và sáng tạo nội dung.

TÓM TẮT

  • Có thể Tiktok sẽ sớm triển khai Tiktok Shop ngay trong tháng 2/2022, sau khoảng 2 năm nghiên cứu.
  • 4 lợi thế của Tiktok Shop là (i) thừa kế nền tảng mạng xã hội với lượng người dùng lớn và trẻ tuổi, tốc độ phát triển nhanh và vẫn đang trưởng thành theo thời gian; (ii) bình đẳng ngay cả với người mới nhờ thuật toán có nhiều cải tiến; (iii) nội dung video ngắn mang nhiều cảm xúc, dễ chuyển đổi; và (iv) đặt nội dung làm trung tâm giúp trải nghiệm mua bán nhẹ nhàng tự nhiên.
  • Tiktok Shop cũng có 3 bất lợi dưới góc nhìn của nhà bán hàng: (i) chuyển đổi thường bắt đầu từ cảm xúc thay vì từ nhu cầu; (ii) traffic là tất cả, gãy traffic là gãy mô hình; (iii) uy tín shop gắn với kênh nhiều hơn lịch sử bán hàng hay đánh giá người mua.
  • Mô hình vận hành: seller mở shop / Idol làm affiliate; bỏ thanh toán COD

MỞ ĐẦU

Tiktok đã dậm dịch việc mở nền tảng shop tại Việt Nam từ khoảng 2 năm trước, tuy nhiên có thể do còn nhiều vấn đề vướng mắc trong vận hành nên tới cuối năm 2021 vẫn chưa thể triển khai. Đã từng có đồn đoán Tiktok xem xét liên kết với một hoặc nhiều sàn TMĐT ở Việt Nam như Shopee, Lazada để thúc đẩy tiến độ Tiktok Shop, tuy nhiên việc đó vẫn chưa diễn thể ra do còn nhiều thách thức cần giải pháp.

Một trong những thách thức lớn nhất của Tiktok Shop có lẽ là vấn đề thanh toán vì thói quen thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) tại Việt Nam vẫn còn đang thịnh hành. Phương thức thanh toán COD làm giảm tính minh bạch và sự liền lạc của dòng tiền trong mô hình vận hành với Tiktok Shop là trung gian kết nối người mua với nhà cung cấp đồng thời là đơn vị xử lý giao dịch.

Sang năm 2022, gần như đã là thời điểm hợp lý để Tiktok triển khai chính thức Tiktok Shop tại Việt Nam; thói quen thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử cũng đã dần dần hình thành nhờ sự thúc đẩy đồng thời từ các bên (các sàn TMĐT, các tổ chức ngân hàng, ví điện tử, các điểm chấp nhận thanh toán và cơ quan quản lý nhà nước…) tỷ lệ COD trên các sàn TMĐT đã giảm tương đối và sẽ tiếp tục giảm nhanh. Vậy nếu Tiktok Shop được mở tại Việt Nam thì mô hình đó sẽ hoạt động như thế nào? sẽ có những điểm mạnh điểm yếu gì và làm thế nào để nhà bán hàng nắm bắt các cơ hội cũng như giải quyết các thách thức mà nó đặt ra?

Mỗi khi có thay đổi lớn trên thị trường như việc xuất hiện một một nền tảng kinh doanh mới thì đều là những cơ hội cực kỳ lớn để thúc đẩy kinh doanh, thậm chí mở ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới và tiềm năng. Điều này đã từng xảy ra khi bán hàng trên FB thịnh hành ở Việt Nam (khoảng 2012-2017) sau đó là sự xuất hiện và bùng nổ của các sàn TMĐT (2018-2021). Liệu Tiktok Shop có trở thành làn sóng tiếp theo?

Những nhận định và chia sẻ của mình về Tiktok Shop trước kia và trong bài này hoàn toàn là ý kiến cá nhân dựa trên tổng hợp nhiều nguồn thông tin chính thức và không chính thức. Các ý kiến cá này có thể đúng, có thể sai và chỉ mang tính tham khảo, đóng góp một góc nhìn trước những diễn biến mới của TMĐT Việt Nam. Biết đâu nó lại diễn ra thì mọi người cũng đã có sự chuẩn bị tốt nhất để nắm bắt các cơ hội.

TIKTOK SHOP TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG KHÁC

Tiktok Shop trên Douyin có lẽ là được mở sớm nhất, hiện đã hoạt động cực kỳ hiệu quả và là nguồn doanh thu quan trọng bậc nhất của nền tảng này tại Trung Quốc.

Tiktok shop được mở tại Indonesia vào 15/42021. Indo là thị trường lớn nhất Đông Nam Á và thường là nơi thử nghiệm tính mới trước khi triển khai trên toàn bộ Đông Nam Á (Shopee cũng thường xuyên thử nghiệm tính năng quan trọng tại chi nhánh Indo trước khi mở rộng cho Đông Nam Á).

Tiktok shop tại thị trường US/UK được mở vào tháng 9/2021. Riêng tại thị trường này thì Tiktok Shop được kết nối với Shoptify – một nền tảng TMĐT rất phổ biến tại đây. Mô hình liên kết này rất có thể sẽ không phù hợp với thị trường Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Khả năng cao là Tiktok Shop Việt Nam sẽ đi theo mô hình Indo / Trung Quốc.

BỐI CẢNH TIKTOK SHOP VIỆT NAM

  1. Thương mại điện tử tại Việt Nam đang vào trend (và đúng track).

Không cần nhắc thì ai cũng thấy 2 năm 2019-2020 đã chứng kiến sự bùng nổ khủng khiếp của TMĐT Việt Nam. Nhờ sự bùng nổ chung của thị trường cộng thêm sự lèo lái hợp lý của các sàn (đặc biệt là Shopee) đã giúp thị trường đi tương đối đúng hướng, hình thành nên những thói quen căn cơ cho cho TMĐT (mua bán trên ứng dụng, đọc review check uy tín, thanh toán trước dùng thẻ – ví điện tử, bán hàng hóa có chất lượng, có giấy tờ hợp pháp, thêm nhiều công cụ để quảng cáo, tăng phí sàn… )

  1. Người dùng tiktok đã làm quen với việc mua hàng

Từ khoảng tháng 6/2021, xu hướng làm tiếp thị liên kết Shopee bắt đầu bùng lên tại Việt Nam (trong đó có đóng góp không nhỏ của cộng đồng Nhặt tiền Shopee trên Facebook). Rất nhiều bạn idol Tiktok đã kiếm được tiền và rất nhiều tiền từ việc làm affiliate với Shopee. Nhưng điều quan trọng nhất là trend làm tiếp thị liên kết – chủ yếu là làm review sản phẩm – đã giúp hình thành thói quen người dùng trên tiktok xem một video review rồi phát sinh nhu cầu và hoàn tất mua hàng trên một nền tảng như Shopee / Lazada. Khi chưa có Tiktok Shop, các khách hàng như vậy sẽ phải thực hiện một chuỗi các hành động gồm click vào link bio của chủ Kênh, tìm đúng sản phẩm đang quan tâm trên một landingpage trung gian rồi click vào link để tiến hành checkout – thanh toán trên Shopee / Lazada. Nếu Tiktok Shop được triển khai thì sẽ cắt giảm đáng kể số lần click vì link gian hàng sẽ được hiện ngay trên video và đặc biệt là khách hàng sẽ không phải chuyển sang nền tảng khác để checkout. Tỷ lệ chuyển đổi chắc chắn sẽ cải thiện hơn nhiều nữa.

LỢI THẾ CỦA TIKTOK SHOP SO VỚI CÁC SÀN TMĐT KHÁC

  1. Tập người dùng trẻ và trưởng thành nhanh

Tập người dùng của Tiktok trải dài từ 12 – 40 tuổi, là độ tuổi có sức mua lớn và có kinh nghiệm nhất định trong việc mua hàng TMĐT. Tập người dùng này vẫn tiếp tục nở ra và có xu hướng trưởng thành nhanh chóng. Tiktok hiện không còn là mạng xã hội của “trẻ trâu” như khi mới phát triển.

  1. Khả năng bùng nổ không giới hạn.

Điểm đặc biệt trong thuật toán phân phối nội dung của Tiktok đó là ưu tiên tuyệt đối nội dung. Đối với người xem thì nó chính lá tab “For you” trên giao diện ứng dụng, đối với nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung thì đó là cơ hội video được phân phối tới hàng triệu lượt người xem chỉ sau 1 đêm – nếu nội dung đủ chất lượng. Khác với các nền tảng MXH và sàn TMĐT khác cần thời gian để phân tích hành vi, tính cách của người dùng để lựa chọn đối tượng sẽ phân phối nội dung mỗi khi người dùng đó đăng một nội dung mới, thuật toán của Tiktok làm ngược lại, họ phân phối thử nội dung cho một lượng người dùng nhất định để kiểm chứng và sẵn sàng mở rộng nhanh chóng tập đối tượng được phân phối khi xác nhận được tín hiệu tốt từ các tập được thử nghiệm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà bán hàng mới, các shop sẽ bình đẳng trước cơ hội được phân phối nội dung, không quan trọng shop mới hay shop cũ, chưa có follow hay đã có nhiều follow. Mọi người chỉ cần tập trung vào sáng tạo nội dung tốt, cơ hội sẽ đến gần như tức thì.

Ví dụ, một nhà bán hàng mới trên Shopee khi bắt đầu lập gian hàng và đăng sản phẩm thì mất rất nhiều thời gian và công sức để có những lượt bán tự nhiên đầu tiên, gần như không bao giờ có chuyện bùng nổ hàng trăm đơn hàng sau 1 đêm. Với Tiktok Shop thì hoàn toàn khác, nhà bán hàng phải luôn chuẩn bị tâm thế đón nhận sự bùng nổ, thậm chí vài nghìn đơn hàng chỉ sau một đêm nếu video của shop được lên xu hướng. Điều này hoàn toàn khả thi và bản thân mình đã chứng kiến trong thực tế, chỉ vài tuần trước.

  1. Tỷ lệ chuyển đổi cao

Điểm mạnh của Tiktok shop là hoạt động trên nền tảng nội dung video. Mà nội dung video thường dễ mang lại nhiều cảm xúc, thôi thúc phát sinh nhu cầu và do đó dễ chuyển đổi hơn các dạng content khác (hình ảnh, mô tả…). Ngay cả những nền tảng nội dung gạo cội như Youtube hay Shopee cũng không thể đứng ngoài cuộc chạy đua video ngắn. Youtube triển khai Short, Shopee Indo đã chuyển Shopee live thành Shopee video và chắc sẽ tương tự với Shopee Việt Nam. Short hay Shopee video (Indo) có nhiều nét tương đồng với Tiktok, từ giao diện người dùng tới cách thức hoạt động. Rõ ràng Tiktok đã rất thành công trong việc thúc đẩy sự thay đổi quan trọng về sáng tạo nội dung video. Về mặt này thì các sàn TMĐT hiện nay sẽ phải dè chừng với Tiktok Shop.

  1. Nội dung quan trọng hơn quảng cáo

Một khác biệt lớn của nền tảng Tiktok Shop mà nhà bán hàng cần lưu ý, đó là vấn đề quảng cáo. Hiện tại tiktok Việt Nam vẫn chủ yếu bán quảng cáo hiển thị, và đây là nguồn thu quan trọng hiện nay. Tuy nhiên nếu nhìn sang Douyin Trung Quốc thì dễ nhận thấy mật độ quảng cáo dạng trả tiền mua hiển thị không nhiều, có khi lướt Douyin cả ngày cũng không gặp. Tương lai Tiktok Việt Nam rất có thể cũng đi theo hướng đó, nhất là sau khi triển khai Tiktok Shop (vì khi đó nền tảng có nguồn thu thay thế). Triết lý đằng sau việc hạn chế bán quảng cáo hiển thị của Tiktok rất đơn giản, quảng cáo thì thường không hấp dẫn và không mang lại trải nghiệm tốt nhất cho số đông người xem, nói cách khác, người xem không thích quảng cáo. Tiktok muốn giữ chân người dùng thông qua những nội dung ngày càng chất lượng, vì thế họ sẽ khuyến khích xác nhãn hàng bỏ công sức làm ra nội dung hay thay vì trả tiền để được phát một nội dung dở. Cạnh tranh giữa các nhà bán hàng và KOC, vì thế chủ yếu sẽ ở về nội dung – ai có nội dung tốt sẽ được phân phối nhiều hơn.

Nội dung hấp dẫn sẽ kích thích nhu cầu mua hàng, tạo ra chuyển đổi và gián tiếp mang lại doanh thu cho nền tảng từ việc thu phí trên đơn hàng thành công. Như vậy tiktok vẫn đạt được mục tiêu về tài chính nhưng quan trọng hơn thế, họ tạo ra một cuộc chạy đua liên tục liên tục về sáng tạo nội dung, mang lại lợi ích lớn cho tất cả các bên: nhãn hàng được phân phối nội dung miễn phí, người xem có content giải trí hấp dẫn vòn bản thân tiktok thì giữ được người dùng trung thành.

THÁCH THỨC KHI BÁN HÀNG TRÊN TIKTOK SHOP

Trên góc nhìn từ nhà bán hàng và từ KOC kiếm tiền trên tiktok shop, một số thách thức lớn được đặt ra:

  1. Chuyển đổi không xuất phát từ nhu cầu

Trên các nên tảng TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki…, nhu cầu thường xuất phát từ phía người mua, sau đó họ chủ động tìm sản phẩm trên sàn, sau đó họ cân nhắc và ra quyết định dựa trên các chỉ số đánh giá mức độ uy tín của nhà bán hàng (tuổi shop, lượt bán, tỷ lệ đánh giá, tỷ lệ phản hồi…) và giá cả. Như vậy nhà bán hàng biết rõ cần cải thiện các chỉ số gì để tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Trên tiktok shop thì khác một chút, nhu cầu của người xem được hình thành hoặc được đánh thức từ cảm xúc khi xem video, việc ra quyết định mua hàng cũng phần lớn do cảm xúc mà video đó mang lại vào đúng thời điểm đó. Như vậy chuyển đổi phụ thuộc vào cảm xúc, mà cảm xúc thì thường khó kiểm soát và khó dự đoán. Đây là thách thức lớn đối với nhà bán hàng và KOC.

  1. Traffic và traffic

Trên tiktok shop, traffic là tất cả. Có traffic thì có chuyển đổi, hết traffic đồng nghĩa với hết đơn hàng mới. Nhà bán hàng trên shopee thường đã quen với việc xây dựng nhưng gian hàng bền vững với chỉ số vận hành tốt, điểm uy tín cao, điểm sản phẩm… Sau những nỗ lực ban đầu thì các gian hàng như vậy sẽ mang lại doanh thu đều đều vì sàn sẽ chủ động điều tiết traffic cho các gian hàng chất lượng. Tiktok shop sẽ không như thế. Nội dung của bạn chỉ được phân phối (tức là có traffic vào shop) khi bạn đăng nội dung có chất lượng. Nếu bạn lười, bạn không có nội dung mới thì rất có thể gian hàng của bạn sẽ không được hiển thị nữa, mặc cho việc bạn đã từng có những chiến tích thế nào. Với tiktok – bạn luôn luôn phải giữ nhịp bằng content.

MÔ HÌNH VẬN HÀNH

  • Seller: cần đăng ký kinh doanh hoặc chủ hộ kinh doanh cá thể
  • Idol có thể đăng ký làm tiếp thị liên kết (sẽ có điều kiện VD kênh tối thiểu 100k follower)
  • Nền tảng sẽ thu phí trên đơn hàng thành công. Tại thị trường US/UK phí tiktok thu đang là 5%, tại Indo đang là 1%. Ở Việt Nam Tiktok Shop có thể bắt đầu từ 1% phí và sẽ điều chỉnh dần tùy theo chiến lược.
  • Đăng sản phẩm: các nhà bán hàng sẽ đăng sản phẩm với ảnh và mô tả tương tự như đang làm với Shopee. Hệ thống Seller Center cũng tương đối đầy đủ các chứng năng và bổ sung dần các công cụ trong tương lai.
  • Thanh toán: với vai trò là bên trung gian thu phí trên đơn hàng thành công, do vậy Tiktok sẽ không muốn chấp nhận việc thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD), tiền của người mua cần chuyển vào hệ thống của Tiktok trước khi được thanh toán cho các nhà cung cấp và đơn vị dịch vụ liên quan, sau khi đã khấu trừ khoản phí hoa hồng của Tiktok Shop. Hình thức COD không đảm bảo quá trình này diễn ra minh bạch và an toàn, đó có thể là lý do chính khiến Tiktok trì hoãn ra mắt Tiktop shop tại Việt Nam suốt 2 năm qua.
  • Mấu chốt là thời điểm hiện tại, Tiktok có thể đưa ra nhiều giải pháp thanh toán thay thế cho khách hàng, từ thanh toán qua thẻ tới sử dụng các ví điện tử, thậm chí người mua có thể sử dụng tiền mặt tại các điểm dịch vụ, các chuỗi cửa hàng tiện lợi để thanh toán cho đơn hàng tiktok shop.
  • Vận chuyển: đối tác vận chuyển của Tiktok Shop sẽ tới kho nhà bán hàng lấy hàng và giao hàng cho người mua, tương tự như trên shopee hiện nay. Tại Indo thì Tiktok đang hợp tác với J&T để xử lý toàn bộ các đơn hàng. Có nguồn tin cho rằng ở Việt Nam, J&T cũng sẽ là đơn vị vận chuyển được chọn.
  • Mọi người có thể xem thêm các hướng dẫn của Tiktok shop Indonesia trước ở đây nhé

LỜI KẾT

Nếu được triển khai, Tiktok Shop mang đến cơ hội rất lớn cho nhà bán hàng. Tiktok Shop không thay thế cho các sàn TMĐT hiện tại mà sẽ bổ sung, lấp đầy các ngách thị trường mà các sàn chưa với tới, cũng như làm đa dạng hóa các phương thức tiếp cận khách hàng cho người bán. Nhà bán hàng mới hay cũ khi tham gia Tiktok Shop sẽ cần những “vũ khí” rất khác so với bán hàng trên Shopee – đó là content. Vì thế việc xây dựng đội ngũ làm nội dung sẽ quyết định lớn nhất tới thành công của shop.

——-

CHỦ ĐỀ TIẾP THEO: Tiktok – Tất tần tật update cho shop 2022 (độc quyền trên Cộng đồng Bluez)

————-

Trà Bô, 2021

Khi share bài viết bạn nhớ cần post link nguồn và nhắn vào Zalo này -> https://zalo.me/g/ojjwlw410